Doanh nghiệp đang lo lắng về Cấm quảng cáo ở mặt tiền cửa hiệu
- Danh mục: Tin tức
- Trả lời bài viết
UBND TPHCM vừa ban hành Chỉ thị số 25/2014/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý về hoạt động quảng cáo trên địa bàn TPHCM. Theo đó, cần tăng cường chỉ đạo công tác kiểm tra, xủa lý, chấn chỉnh các hành vi vi phạm về hoạt động quảng cáo trong việc viết, đặt biển hiệu trên địa bàn đúng quy định.
Tập trung chủ yếu đối với biển hiệu của các tổ chức, cơ sở kinh doanh thường có kèm nội dung quảng cáo logo của doanh nghiệp và thương hiệu sản phẩm đang kinh doanh, biển hiệu có chữ nước ngoài không đúng quy định, biển hiệu vượt chiều cao theo quy định, bao quanh và che kín mặt tiền nhà vi phạm về xây dựng, an toàn phòng cháy, chữa cháy.
Theo quy định mới về quảng cáo thì biển hiệu của các tổ chức, cơ sở kinh doanh không được kèm logo của doanh nghiệp và thương hiệu sản phẩm đang kinh doanh. Trước thông tin “từ đây không được quảng cáo ở mặt tiền của cửa hàng” nữa, nhiều doanh nghiệp (DN) đang bàng hoàng, đứng ngồi không yên.
Không quảng cáo ở mặt tiền!
Hiện nay, trên rất nhiều bảng tên ở mặt tiền cửa hàng, điểm kinh doanh đều có kèm quảng cáo. Ví dụ, trên bảng tên của nhà hàng ăn uống có kèm thêm nhãn hiệu bia; trên bảng tên cửa hàng sửa chữa xe có thêm nhãn hiệu dầu nhớt; trên bảng tên cửa hàng tạp hóa có thêm nhãn hiệu nước giải khát, trên bảng tên cửa hàng xây dựng có nhãn hiệu xi măng…
Một DN quảng cáo cho biết việc kèm quảng cáo ở mặt tiền được thực hiện bằng nhiều cách. Có thể là biển hiệu riêng, bảng quảng cáo riêng, nằm sát nhau. Nhưng phần lớn là cửa hàng dựng một bảng có hai nội dung, một bên mang nội dung biển hiệu (chỉ ghi tên DN, địa chỉ, điện thoại), còn một bên mang nội dung quảng cáo cho nhãn hàng nào đó, thường là in logo nhãn hàng. Hai nội dung này cách nhau một vạch cong, vạch thẳng hoặc có màu nền khác nhau… tùy cách trang trí của từng nhãn hàng.
Theo Chỉ thị, trong khi chờ quy hoạch quảng cáo ngoài trời được phê duyệt, Sở không chấp nhận các hồ sơ thông báo quảng cáo ở vị trí “không đúng quy định của luật” hoặc quy hoạch chưa được duyệt. Những bảng quảng cáo đã có văn bản đồng ý nội dung quảng cáo của Sở thì kết thúc quảng cáo theo thời hạn ghi trong văn bản. Bảng quảng cáo tấm lớn sẽ được gia hạn không quá sáu tháng cho đến khi UBND TP phê duyệt và công bố quy hoạch quảng cáo ngoài trời.
Ông Nguyễn Quý Cáp, Phó Chủ tịch Hội Quảng cáo TP.HCM, giải thích nếu DN đặt biển hiệu mà không có kèm quảng cáo nhãn hàng thì không cần xin phép hay thông báo gì. Nếu DN có kèm quảng cáo như hiện vẫn làm thì Sở không đồng ý. Trường hợp xin làm bảng quảng cáo riêng gắn ở mặt tiền nhà thì cũng không được nốt! Điều này dẫn đến việc các DN trong hiệp hội phản ứng khá nhiều. Đặc biệt, những biển hiệu đang tồn tại mà có kèm quảng cáo thì phải xóa bỏ phần quảng cáo, biển hiệu to sẽ bị “gọt”, thực hiện dần cho đến hết tháng 3-2015. Nếu DN không làm sẽ bị phạt và cưỡng chế tháo dỡ.
Hủy hợp đồng làm biển hiệu
Một số DN chuyên thiết kế, thi công gắn biển hiệu có kèm quảng cáo cho một số nhãn hàng đã phải ngậm ngùi ra thông báo cho DN chủ nhãn hàng, các cửa hàng về việc đổi hướng thực hiện bảng tên. Một DN quảng cáo kể: “Công ty đã nhận đặt hàng khoảng 40 bảng. Từ khi nghe triển khai Chỉ thị 25, chúng tôi phải thông báo cho khách hàng biết không thể thực hiện theo phương án cũ. Đồng thời, chúng tôi đưa ra hai hướng giải quyết: Dựng bảng tên của cửa hàng mà không kèm logo quảng cáo sản phẩm; hoặc cứ làm như lâu nay nhưng bị phạt thì cửa hàng tự chịu lấy! Nhiều cửa hàng đã thẳng thừng từ chối phương án 2, còn phương án 1 thì cũng rất lúng túng…”.
Phản ảnh này là có cơ sở bởi lẽ hiện nay, DN chủ nhãn hàng thường tài trợ cho cửa hàng vật liệu, cửa hàng ăn uống, tiệm sửa xe, tạp hóa… phần chi phí dựng bảng tên, khoảng 3-5 triệu đồng. Đổi lại, trên bảng sẽ có logo quảng cáo cho sản phẩm của DN. Các DN thường có mẫu bảng hiệu kèm quảng cáo đồng nhất cho các cửa hàng. Nếu không quảng cáo được sản phẩm trên bảng thì DN có thể sẽ không tài trợ cho việc dựng bảng tên nữa.
Ông Cáp thông tin “có rất nhiều DN bị ảnh hưởng”. Đặc biệt, các DN muốn lắp bảng quảng cáo phải chờ quy hoạch về địa điểm, cách thức đặt bảng của TP. “Chờ quy hoạch là một việc rất không thực tế, không biết khi nào mới ra quy hoạch, trong khi việc kinh doanh của DN là việc diễn ra hằng ngày hằng giờ, biểu chờ thì chờ đến bao giờ?”. Với lo lắng này, ông Cáp cho biết hiệp hội đang tập hợp ý kiến của các DN quảng cáo để phản ánh và kiến nghị UBND TP, Bộ VH-TT&DL tháo gỡ cho DN.
Biển hiệu không hình
Nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn chưa rõ biển hiệu nào đúng quy định, biển hiệu nào không. Trong đó, gây băn khoăn nhiều nhất là loại biển hiệu có gắn hình ảnh, logo, thương hiệu sản phẩm đang được kinh doanh.
Một điểm dạy nhạc ở đường Cách Mạng Tháng Tám, trên biển hiệu chỉ có tên, địa chỉ và treo một cây đàn trước cửa. Ảnh PL TPHCM
Chị Lan, chủ một tiệm bán cháo gà ở quận Tân Phú (TP.HCM), giãy nảy: “Tui chỉ để chữ Cháo gà thì nhiều người mắt mũi kèm nhèm có đọc được đâu. Họ chủ yếu nhìn hình con gà là biết mình bán gà. Chỉ có cái hình con gà luộc thôi mà bắt giấy phép riêng cho nó thì mệt quá! Không cho vẽ chắc tui treo nguyên con gà lủng lẳng trước quán tui luôn!”.
Trong khi đó, một số cửa hàng tạp hóa, tiệm sửa xe thì “không ngán” quy định này. Ông Nguyễn Văn Tuấn, chủ tiệm sửa chữa xe máy ở quận 5, cho biết không phải tiệm sửa xe nào cũng được tài trợ việc đặt bảng hiệu có logo của sản phẩm dầu nhớt. “Được tiền tài trợ làm bảng đẹp thì tốt. Không có thì mọi người vẫn treo bánh xe hay một dây các lon dầu nhớt trước tiệm. Vậy là ai cũng biết tiệm sửa xe!”.
Một lãnh đạo Sở VH-TT&DL TP.HCM khẳng định: “Biển hiệu không được xen hình ảnh, logo, nhãn hàng… vào”. Vị này diễn giải: Điểm 1.4.6 về biển hiệu trong Thông tư 19/2013 quy định “biển hiệu là bảng dùng để viết tên… nhằm giới thiệu tên gọi, địa chỉ giao dịch”. Như vậy chỉ có viết tên mà thôi, không đặt logo, hình ảnh khác. Cửa hàng, điểm kinh doanh đặt biển hiệu không cần xin phép hay thông báo gì cả. Điểm 1.4.1 về quảng cáo là “việc sử dụng phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng các sản phẩm…” và điểm 1.4.2 ghi rõ “sản phẩm quảng cáo thể hiện bằng hình ảnh, âm thanh, tiếng nói, chữ viết, biểu tượng, màu sắc, ánh sáng…”. Do vậy, quán bán gà, vịt treo hình gà vịt, cửa hàng điện thoại in hình cái điện thoại… đều được xem là quảng cáo. Đã là quảng cáo thì phải làm thủ tục thông báo. Nếu đáp ứng quy định về bảng quảng cáo thì mới được chấp nhận.
Không làm rõ là giết DN!
Vấn đề đau đầu bây giờ là việc đặt bảng quảng cáo ngoài mặt tiền nhà có được chấp nhận không. Hiện đang có nhiều cách hiểu khác nhau giữa các quận, huyện.
Vị lãnh đạo trên thì cho rằng khi đặt bảng hiệu phải đặt hết chiều ngang mặt tiền nhà. Theo Thông tư 19/2013 thì “mỗi tầng chỉ được đặt một bảng”, mà tầng trệt đã đặt bảng hiệu rồi thì làm gì có chỗ đặt thêm bảng quảng cáo! Muốn đặt bảng quảng cáo thì đặt ở tầng trên và phải làm thủ tục thông báo.
Đáng nói, TP.HCM đang dự thảo một đề án quy hoạch quảng cáo. Trong đó có quy định “bảng quảng cáo tại các cửa hàng nhỏ, lẻ không phải thông báo nội dung quảng cáo, DN tự chịu trách nhiệm. Chỉ đặt trong khu vực kinh doanh, không đặt – treo – gắn bên ngoài và trên mặt tiền nhà”. Ông Nguyễn Quý Cáp, Phó Chủ tịch Hội Quảng cáo TP.HCM, cho biết cần hết sức lưu ý quy định này vì nó có thể gây ra tình trạng cấm tiệt bảng quảng cáo ở bên hông và mặt tiền nhà.
Bởi lẽ trong dự thảo này không nói rõ các bảng quảng cáo mà DN muốn đưa ra mặt tiền nhà thì phải làm thủ tục như thế nào. Nếu DN xin phép treo bảng quảng cáo ngoài mặt tiền có khi lại bị từ chối cấp phép “chỉ đặt trong, không đặt ngoài” là chết DN.
Ông Cáp phân tích quy định này hoàn toàn không đúng với tinh thần của Luật Quảng cáo và quy định tại khoản 2.2.2.2 Thông tư số 19/2013. Thông tư này quy định kỹ thuật đối với bảng quảng cáo mặt tiền, cho phép nhà một tầng được đặt một bảng và một bảng đứng ở mặt tiền nên đề án của TP không cấm được. Nếu quy định này của đề án không được sửa, không được làm rõ thì sẽ khiến hàng chục ngàn bảng quảng cáo kèm bảng hiệu tại các cửa hàng kinh doanh nhỏ, lẻ sẽ bị tháo dỡ, gây thiệt hại rất lớn không chỉ cho các cửa hàng đang kinh doanh mà còn tiêu diệt hàng loạt công ty quảng cáo. Ông Cáp đề nghị bỏ nội dung “Bảng quảng cáo chỉ được đặt bên trong khu vực kinh doanh, không được treo, gắn bên ngoài và trên mặt tiền nhà” trong dự thảo.
Ông Cáp cho biết hội sẽ gửi kiến nghị đến UBND TP, Bộ VH-TT&DL để có hướng dẫn rõ ràng, không làm khó DN.
Nguồn: DPI